Các loại kế toán trong doanh nghiệp hiện nay như thế nào? Công việc, nhiệm vụ của họ ra sao? Đây chắc hẳn là điều mà nhiều người chưa biết đến, đặc biệt là khi vẫn chưa hiểu về nghề nghiệp này. Hãy cùng Quyết Thắng tìm hiểu điều này trong bài viết ngay sau đây.
1. Kế toán là gì? Tìm hiểu về nghề kế toán
Kế toán là vị trí cơ bản và cần thiết trong mỗi doanh nghiệp. Các công việc của kế toán là ghi lại các giao dịch tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, xử lý, ghi chép, tổng hợp số liệu từ các chứng từ… liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là công việc phải kiểm tra phân tích tính chính xác, tính pháp lý hoá đơn,… cung cấp thông tin, lập báo cáo và dự báo tài chính cho doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp đều có bộ phận kế toán riêng. Và như đã nói ở trên, công việc kế toán phải quan sát, nắm bắt và làm việc trên rất nhiều dữ liệu, các mảng khác nhau. Chính vì thế, bộ phận này cũng có các loại kế toán khác nhau để đảm nhận những vị trí, nhiệm vụ khác nhau. Tuỳ theo mô hình và cốt lõi của doanh nghiệp sẽ có những vị trí kế toán khác nhau. Thông thường, có nhiều cách để phân loại kế toán, như: theo công việc, theo bộ phận, theo lĩnh vực kế toán của từng doanh nghiệp,…
2. Các loại kế toán trong doanh nghiệp phân loại theo phần hành
Sự ra đời của các vị trí kế toán nhằm đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp. Tuỳ vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có thể có những vị trí kế toán đa dạng khác nhau. Việc phân chia các loại kế toán này nhằm phân công nhiệm vụ của các nhân viên trong phòng kế toán.
Những vị trí kế toán thông dụng thường thấy có thể kể đến là: Kế toán tổng hợp, kế toán thanh toán, kế toán ngân hàng, kế toán công nợ phải trả, kế toán mua hàng, kế toán theo dõi hàng tồn kho, kế toán thuế, kế toán doanh thu, …
2.1. Kế toán thanh toán
Thanh toán là việc rất thường xuyên trong mỗi doanh nghiệp. Kế toán thanh toán thực hiện các nhiệm vụ:
– Lập chứng từ thu chi với các giao dịch thanh toán (bằng tiền mặt/chuyển khoản) được thực hiện và phát sinh.
– Theo dõi, hạch toán quản lý với các giao dịch, nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh.
2.2. Kế toán ngân hàng
Kế toán ngân hàng đảm bảo và phụ trách những giao dịch chuyển khoản. Công việc cụ thể của kế toán ngân hàng bao gồm:
– Ghi nhận, xử lý, phân tích bằng nghiệp vụ ngân hàng với các giao dịch ngân hàng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
– Cung cấp thông tin liên quan đến các giao dịch để phục vụ cho các công tác quản lý cho tổ chức, cá nhân theo quy định sau khi các giao dịch hoàn thành.
2.3 Kế toán công nợ
Vị trí kế toán công nợ tại một số doanh nghiệp có thể không quá nhiều nhiệm vụ và thường do kế toán tổng hợp đảm nhiệm. Đây là vị trí xử lý, ghi chép và đảm bảo các vấn đề công nợ của doanh nghiệp.
2.4 Kế toán theo dõi hàng tồn kho (hàng hóa – giá thành)
Hàng tồn kho là các hàng hóa, nguyên vật liệu trong kho doanh nghiệp. Kế toán theo dõi hàng tồn kho sẽ phải lập hóa đơn chứng từ để theo dõi những vấn đề liên quan kho của doanh nghiệp, bao gồm cả quá trình nhập – xuất – tồn.
Vị trí kế toán hàng tồn kho giúp hạn chế tối đa những rủi ro, mất mát cho doanh nghiệp, và quản lý hàng tồn kho được tốt hơn.
2.5. Kế toán tài sản cố định
Tài sản cố định trong doanh nghiệp là những tài sản lớn được liệt kê, có thời gian sử dụng, và được đánh giá dựa trên sự hao mòn theo thời gian. Kế toán tài sản cố định làm các công việc kế toán liên quan đến vấn đề này, làm các hồ sơ riêng với các chứng từ, biên bản giao nhận, hoá đơn chứng từ mua bán, bao gồm các hoạt động:
– Kiểm kê, đánh giá lại các tài sản cố định của doanh nghiệp theo đúng quy định và trình tự từ luật pháp và nhà nước.
– Báo cáo về tài sản cố định của doanh nghiệp.
2.6. Kế toán doanh thu
Doanh thu là toàn bộ khoản tiền thu về từ các hoạt động của doanh nghiệp. Kế toán doanh thu sẽ chịu sự quản lý bởi kế toán trưởng, với 2 nhiệm vụ chính:
– Chịu trách nhiệm thống kê tổng hợp các chứng từ bán hàng.
– Rà soát tình hình tài chính của khách hàng.
2.7. Kế toán thuế
Các doanh nghiệp phải thực hiện việc đóng thuế theo đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Kế toán thuế sẽ đảm bảo những vấn đề liên quan đến thuế của doanh nghiệp. Nhiệm vụ của kế toán thuế bao gồm:
– Hàng ngày: Thu thập, xử lý, sắp xếp, và lưu trữ tất cả hóa đơn chứng từ giao dịch của doanh nghiệp trong ngày hôm đó.
– Hàng tháng: Lập bảng báo cáo thuế.
– Hằng năm:
+ Đầu năm: Thuế Môn Bài
+ Cuối năm: Quyết toán thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN), lập các bảng báo cáo tài chính.
2.8. Kế toán chi phí
Chi phí bao gồm các hao phí tiền bạc, sức lao động, sự hao mòn về công cụ, vật chất…., là nhân tố cơ sở để tạo nên và quyết định giá thành sản phẩm.
Kế toán chi phí sẽ xem xét tổng quan về tất cả các chi phí liên quan đến quá trình sản xuất, hoạt cung cấp dịch vụ, từ đó chuẩn bị ngân sách, phân tích lợi nhuận, kiểm soát hoạt động, quản lý và chiến lược. Những chi phí mà kế toán chi phí cần nắm bắt được phân ra các loại:
– Chi phí cố định
– Chi phí biến đổi
– Chi phí cho hoạt động
– Chi phí trực tiếp
– Chi phí gián tiếp
2.9. Kế toán tổng hợp
Kế toán tổng hợp là một trong những vị trí quan trọng nhất trong các trị trí kế toán, và là vị trí cần thiết có mặt ở mọi doanh nghiệp bởi đây là vị trí bao quát tất cả dữ liệu kế toán – tài chính trong doanh nghiệp.
Công việc của kế toán tổng hợp được yêu cầu thực hiện nhiều bước theo từng ngày, từng tháng, từng quý, từng năm.
– Hàng ngày: Thu thập, xử lý, lưu trữ và lập phiếu chi, thu, xuất – nhập hóa đơn.
– Hàng tháng:
+ Xem xét, kiểm tra và nắm bắt các công – nợ của khách hàng và nhà cung ứng, hóa đơn đầu vào đầu ra.
+ Lập các báo cáo thuế, phân tích và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, bao quát bảng tính lương, thưởng và các khoản trích theo lương.
+ Lên biểu đồ, đánh giá lại giá trị hàng tồn kho, hao mòn tài sản cố định, và phân tích giá vốn bán hàng.
– Hằng quý:
+ Kiểm tra các chứng từ kế toán, hóa đơn.
+ Lập tờ khai giá trị gia tăng (GTGT) và tính sơ bộ thuế TNCN, TNDN.
+ Lập báo cáo tài chính, báo cáo quản trị theo quý.
3. Phân loại các loại kế toán trong doanh nghiệp theo chức năng
Dựa theo chức năng cung cấp thông tin của vị trí, mà kế toán được chia làm 2 loại cơ bản, gồm kế toán quản trị và kế toán tài chính.
3.1 Kế toán quản trị
Kế toán quản trị nắm bắt và cung cấp các số liệu, thông tin kinh tế phục vụ cho việc ra quyết định quản trị trong doanh nghiệp trong tương lai. Đối tượng phục vụ của kế toán quản trị là các thành viên nội bộ trong doanh nghiệp.
3.2 Kế toán tài chính
Kế toán tài chính có đối tượng chủ yếu là bên ngoài doanh nghiệp như là các cổ đông; ngân hàng; cơ quan thuế… Nhiệm vụ của kế toán tài chính là cung cấp các thông tin trong quá khứ, nhằm để cho đối tượng bên ngoài có thể thấy được tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Có thể nói, ngành kế toán có công việc rất quan trọng, đảm nhận xử lý dữ liệu, báo cáo, phân tích tình hình tài chính liên quan đến mọi mặt trong công ty, doanh nghiệp nhằm hướng đến cả đối tượng trong và ngoài doanh nghiệp. Tuỳ theo quy mô của doanh nghiệp, một số bộ phận thường được lồng ghép vào nhau, tuy nhiên, các nhiệm vụ, chức năng của kế toán phải luôn được đảm bảo.
Với những thông tin trên, hi vọng Quyết Thắng đã cung cấp tới bạn những nội dung thú vị và cần thiết về nghề kế toán cũng như tìm hiểu các loại kế toán trong doanh nghiệp hiện nay. Đừng quên, nếu có bất cứ vấn đề cần tham khảo các giải pháp đầu tư kinh doanh, hay cần các dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp, hãy liên hệ Quyết Thắng Group cũng như tìm hiểu trên website https://congtyquyetthang.com/ để luôn có những thông tin hữu ích.
3702864221